Hiện tượng tảo tàn là một trong những vấn đề đáng lo ngại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường trong ao và sự phát triển của tôm. Ở bài viết này, Vi Sinh Sundo sẽ cùng với bà con tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý hiện tượng tảo tàn.
Nguyên nhân hiện tượng tảo tàn
Biến động thời tiết: Tảo luôn cần ánh sáng để quang hợp và tạo ra ôxy hòa tan. Khi gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều, kéo dài, thiếu ánh sáng, tảo không đủ điều kiện để quang hợp nên sẽ lụi tàn.
Lượng thức ăn dư thừa trong ao: Khi cho tôm ăn nhiều, lượng thức ăn thừa và chất thải từ tôm trong ao nuôi sẽ gia tăng đáng kể. Đây là một trong những yếu tố khiến màu nước trở nên đậm hơn. Nếu không quản lý tốt màu nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của tảo, dẫn đến tảo tàn.
Ít cắt tảo định kỳ: Nếu gặp điều kiện môi trường nước thuận lợi, tảo sinh sống trong ao nuôi sẽ phát triển mạnh. Trong thời gian dài, nếu người nuôi không cắt tảo thường xuyên, tảo sẽ già và mật độ tảo trở nên dày đặc.
Cắt tảo không đúng cách: Cắt tảo không đúng cách hay sử dụng hóa chất quá liều để diệt tảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước và cản trở khả năng phát triển của các mầm tảo, dẫn đến sụp tảo.
Tác động dẫn đến hiện tượng tảo tàn
Tảo tàn gây nhiều hệ lụy cho ao nuôi, nhất là sức khỏe của tôm. Khi tảo tàn, tôm bị thiếu đi nguồn ôxy do tảo quang hợp ban ngày tạo ra. Hơn nữa, quá trình phân hủy xác tảo cũng tiêu tốn rất nhiều ôxy. Chính vì vậy, nguồn ôxy trong nước sẽ bị thiếu hụt, không đủ cung cấp cho tôm.
Xác tảo có thể khiến tôm bị đóng rong và đen mang. Ngoài ra, nếu tôm ăn phải xác tảo sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột cao.
Tảo tàn cũng là nguyên nhân làm bùng phát khí độc NH3, NO2 trong ao, gây nguy hại đến sự phát triển và sức khỏe của tôm.
Biểu hiện khi xảy ra tảo tàn
Màu nước ao bị biến đổi: đục màu, trắng bạc.
Đối với ao bạt: độ trong > 40 cm. Có nhiều chất lơ lửng, bọt nổi nhiều khi không chạy quạt, một số trường hợp có xác tảo nổi lên.
Đối với ao đất: nước trong hoặc có màu đục của bùn sình. Chất lơ lửng và bọt nhiều.
Cách xử lý hiện tượng tảo tàn
Chạy quạt hết công suất để xác tảo và các chất cặn bã tập trung về khu vực giữa và xiphong bùn đáy giữa ao. Nhanh chóng vớt xác tảo, đối với tảo tàn nổi lên xác tảo nhiều ở cuối gió, dùng vợt mịn vớt hoặc máy bơm hút xác tảo ở bề mặt.
Tiến hành thay nước mới, nếu có ao lắng chất lượng nước tốt, cần thay nước 30%. Đo lại pH trong ao, nếu pH thấp cần bón vôi để ổn định pH.
Chạy quạt hết công suất và dùng ôxy viên với liều 1 – 2 kg/1.000 m3 nước, để cung cấp ôxy hòa tan tức thời cho ao. Ngăn chặn hoặc xử lý tình trạng tôm bị nổi đầu kéo đàn.
Sử dụng men vi sinh tạt xuống ao, thời gian tạt tốt nhất 9 – 10 giờ sáng. Men vi sinh có tác dụng phân hủy xác tảo, các chất hữu cơ trong ao, đồng thời hấp thụ khí độc NH3, NO2, H2S làm đáy ao và nước sạch trở lại.
Gây lại màu nước bằng cách ủ men vi sinh + cám gạo (bột đậu nành) + mật rỉ đường với tỷ lệ 1:3:3 ủ qua 12 tiếng, tạt liên tục 2 – 3 ngày.
Cắt giảm 50 – 60% lượng thức ăn so với thông thường, đồng thời bổ sung vitamin giúp tôm trao đổi chất tốt, giảm stress, tăng đề kháng ngừa mầm bệnh tấn công sau khi ao bị sụp tảo.
Phòng tránh hiện tượng tảo tàn như thế nào?
Thực hiện quy trình cải tạo ao kỹ, hút sạch mùn đáy hữu cơ. Hạn chế bón phân trong ao nuôi gây tích lũy ở nền đáy.
Đảm bảo các chỉ tiêu nước ao nuôi đạt yêu cầu, không lấy nước cấp trực tiếp từ những nguồn nước nở hoa hoặc gần đó.
Sử dụng thức ăn chất lượng, kiểm tra sàng cho ăn thường xuyên để xem lượng tiêu thụ thức ăn của tôm từ đó có sự điều chỉnh hợp lý. Đối với ao nuôi lót bạt thường xuyên xiphong các chất cặn bã tích tụ đáy áo, ngăn ngừa tảo phát triển mạnh. Nên có hệ thống ao lắng thay nước khi có dấu hiệu tảo dày, nở hoa.
Định kỳ bổ sung men vi sinh cho ao nuôi. Men vi sinh sẽ bổ sung các vi khuẩn có lợi cạnh tranh sinh học làm giảm tảo, tạo môi trường cân bằng giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Trên đây là những thông tin cần thiết về tảo tàn và cách xử lý khi gặp hiện tượng này. Hi vọng đây là những thông tin hữu ích cho bà con khi gặp phải vấn đề. Chúc bà con vụ mùa bội thu!