Thuốc tím KMnO4 là hóa chất xử lý nước được ứng dụng phổ biến trong thủy sản. Để hiểu rõ hơn về thuốc tím là gì cũng như cách sử dụng thuốc tím trong nuôi trồng thủy sản như thế nào là hiệu quả? Mời bà con tham khảo các thông tin sau.
Định nghĩa thuốc tím là gì?
Thuốc tím KMnO4 còn được biết đến với tên gọi Kali Penmanganat. Đây là chất rắn vô cơ, khi bay hơi tạo thành chất rắn tinh thể màu đen tím và có hình lăng trụ lấp lánh. KMnO4 có tính chất oxy hóa vật chất vô cơ lẫn hữu cơ, mang tính đối kháng với một số hóa chất khác như cồn, formaline, các hợp chất arsenite, iodine, than hoạt tính, H2O2,…
Thuốc tím có một số đặc tính nổi bật như sau:
– Chất oxy hóa mạnh, có khả năng bốc cháy hoặc phát nổ khi kết hợp với chất hữu cơ khác.
– Phân hủy ở nhiệt độ > 200 độ C.
– 6,4g thuốc tím có thể được hòa tan trong 100g nước.
Thuốc tím có tác dụng gì?
Hiện nay, thuốc tím KMnO4 được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực dưới hai hình thức là dạng bột và dạng tinh thể với những công dụng như sau:
– Đóng vai trò là chất sát khuẩn, tẩy uế, rửa vết thương.
– Có khả năng hấp thụ khí gas.
– Thuốc tím khử trùng nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
– Tẩy màu vải dệt.
– Làm bay màu các chất béo hay tinh bột.
– Khử trùng trong dược phẩm.
– Định lượng nhiều chất trong hóa học phân tích.
– Tiêu diệt các loại tảo trong thủy sản.
Thuốc tím trong nuôi trồng thủy sản
Trong nuôi trồng thủy sản, thuốc tím KMnO4 có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nấm, tảo và thậm chí các loại virus gây bệnh cho tôm cá thông qua việc oxy hóa màng tế bào, phá hủy các enzyme đặc biệt điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào.
Sử dụng một liều lượng thuốc tím thích hợp có tác dụng tăng DO và giảm chất hữu cơ trong ai nuôi. Trong môi trường nước, thuốc tím hoạt động dưới dạng MnO4 – với nồng độ thích hợp có thể tiêu diệt được nhóm nguyên sinh động vật và nhóm vi khuẩn dạng sợi tạo mảng bám trên tôm.
1. Cách sử dụng thuốc tím trong nuôi tôm
– Thuốc tím KMnO4 dùng xử lý nước ở đầu và cuối vụ nuôi. Tuyệt đối không sử dụng trong quá trình nuôi vì KMnO4 kết hợp với nước sẽ tạo ra MnO2 gây độc cho tôm. Trong khoảng thời gian này, người nuôi cần tranh thủ sau khi thuốc phân hủy, bay hơi hết thì tiến hành gây màu nước, cấy vi sinh và thả tôm giống.
– Sau khi sát trùng nước 48 giờ, người nuôi tiến hành cấy vi sinh để bổ sung lợi khuẩn bacillus vào trong nước nhằm khống chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
– Khi sử dụng thuốc tím diệt tạo sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong ao, do đó bà con cần tăng cường chạy quạt nước.
– Liều lượng diệt khuẩn thích hợp từ 2 – 4 mg/L (liều lượng dựa vào mức độ chất hữu cơ trong nước).
– Liều lượng diệt virus có thể dùng > 50 mg/L.
– Thuốc tím có tính oxy hóa mạnh, dễ phân hủy ở dạng dung dịch. Vì thế, sau khi pha cần phải sử dụng ngay, bảo quản không quá 24 giờ, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng mặt trời.
– Không được dùng thuốc tím với các loại hóa chất đối kháng kể trên.
– Thời gian sử dụng 2 lần ít nhất là 4 ngày.
– Sử dụng thuốc tím khi trời mát.
2. Nhược điểm của thuốc tím KMnO4 trong nuôi tôm
– Thuốc tím không bền, khả năng diệt trùng giảm ở nhiệt độ cao.
– Hạn chế sử dụng trong ao nuôi có tôm cá, vì khi vào nước thuốc tím sẽ gây độc.
– Hiệu quả kém trong ao nuôi có quá nhiều chất hữu cơ.
– Khả năng tạo oxy hòa tan không cao.