Cách cho tôm ăn hiệu quả

Tôm chán ăn, chậm lớn hoặc ăn nhiều nhưng vẫn không khỏe mạnh và lớn nhanh là điều mà bà con nuôi tôm nào cũng lo lắng. Vậy người nuôi tôm nên quản lý chất lượng và liều lượng thức ăn cho tôm như thế nào? Sundo Việt Nam xin chia sẻ bí quyết để tôm luôn ăn ngon miệng, nâng cao sức đề kháng, cho thịt ngon sau khi thu hoạch.

Lựa chọn thức ăn cho tôm

Điều quan trọng trong việc cho tôm ăn chính là lựa chọn loại thức ăn chất lượng, phù hợp và “đúng” với nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Tôm được ăn thức ăn chất lượng tốt sẽ thuận lợi sinh trưởng và phát triển, cho năng suất vụ mùa cao.

Có 2 nhóm thức ăn chính cho tôm:

1. Thức ăn tự nhiên

Hay còn gọi là thức ăn hữu cơ. Đây là nguồn thức ăn có sẵn trong ao nuôi như động thực vật phù du, vi sinh vật, mùn bã hữu cơ,…

Nguồn thức ăn tự nhiên này rất tốt cho sự sinh trưởng của tôm nhưng thường chiếm tỉ lệ phần trăm khá nhỏ. Sự sinh trưởng và phát triển của chúng phụ thuộc nhiều vào chất lượng nước ao. Một trong những cách hiệu quả để tạo ra thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm chính là gây màu nước trước khi thả tôm.

2. Thức ăn công nghiệp

Thức ăn tự nhiên mặc dù rất tốt cho tôm nhưng số lượng khá ít. Vì vậy trong nuôi tôm bà con luôn cần bổ sung đầy đủ thức ăn công nghiệp để đảm bảo tôm phát triển ổn định.

Thức ăn công nghiệp được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên sử dụng đều đặn, xuyên suốt và đóng vai trò chủ đạo trong nuôi tôm. Loại thức ăn này đã được các nhà sản xuất nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thành phần, hàm lượng dưỡng chất cần thiết. Đặc biệt là lượng dinh dưỡng cần đáp ứng cho từng giai đoạn phát triển của tôm.

cho tôm ăn

Cách cho tôm ăn hiệu quả

Cho tôm ăn sao cho đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế thức ăn thừa, giảm tỉ lệ FCR. Đây là vấn đề được bà con rất quan tâm. Dưới đây là những bí quyết cho tôm ăn hiệu quả:

Cho ăn phù hợp với giai đoạn thả nuôi

Đối với tôm thả nuôi được 7 – 10 ngày

– Trong giai đoạn này, các chuyên gia khuyến cáo cho tôm ăn loại thức ăn ở dạng bột mịn. Trộn thức ăn với nước, lúc cho ăn cần tắt quạt nước rồi mới tiến hành tạt xuống ao.

– Cho tôm ăn cách bờ khoảng 2 – 4m.

Đối với tôm thả nuôi sau 10 ngày

Ở giai đoạn này, bà con nên cho tôm ăn loại thức ăn dạng hạt nhỏ cho tôm tập làm quen. Người nuôi cũng dễ kiểm tra lượng thức ăn dư thừa hơn.

Cho thức ăn vào sàng và đặt cách quạt nước khoảng 12 – 15cm. Mỗi 1.600 – 2.000m2 đặt một sàng, tránh đặt sàng ở vị trí góc ao.

Đối với tôm thả nuôi sau 15 ngày

Lúc này bà con vẫn cho ăn thức ăn thường ngày, nhưng nhớ kết hợp bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh theo hướng dẫn của nhà cung cấp. Điều này giúp tôm tăng trưởng tốt hơn, tăng sức đề kháng cho tôm và khả năng chống chịu với bệnh tật.

Cho ăn phù hợp với từng giống tôm

Mỗi giống tôm cần có cách cho ăn khác nhau. Tiêu biểu ở 2 loại tôm là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Đối với tôm thẻ chân trắng

Ngày đầu tiên sau khi thả: cho ăn với liều lượng 2,8 – 3kg/100.000 con tôm giống.

Trong 10 ngày đầu tiên, mỗi ngày tăng thêm 0,4kg/100.000 con tôm giống.

Trong 10 ngày tiếp theo, mỗi ngày tăng thêm 0,5kg/100.000 con tôm giống.

Đối với tôm sú

Ngày đầu tiên sau khi thả: cho ăn với liều lượng 1,2 – 1,5kg/100.000 con tôm giống.

Tiếp theo cứ 2 ngày tăng thêm 0,2 – 0,3kg/100.000 con tôm giống.

Mật độ cho ăn

Không chỉ cần cho tôm ăn đúng liều lượng và tương ứng với từng giống nhất định. Bà con muốn cho tôm ăn hiệu quả còn cần chú ý tới mật độ cho ăn.

– Tôm mới thả có thể cho ăn từ 5 – 6 bữa/ngày.

– Tôm được 30 ngày tuổi nên cho ăn 4 bữa/ngày.

Định lượng thức ăn có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện ao nuôi, đặc biệt là yếu tố môi trường như thời tiết, nhiệt độ, độ pH, lượng khí độc trong ao,…

Cùng với chất lượng nước, môi trường nuôi thì nguồn dinh dưỡng dành cho tôm trong suốt quá trình nuôi cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, có thể quyết định năng suất mùa vụ và chất lượng thịt tôm sau khi thu hoạch. Chúc bà con một vụ mùa bội thu!

Rate this post